Chi tiết
NDĐT – Gần 200 kỹ sư, công nhân liên danh nhà thầu Tekken – Yokogawa – Thăng Long – Marubeni mới đây đã thay thành công dầm chính cầu đường sắt Bà Bầu tại huyện Núi Thành (Quảng Nam) chỉ sau hơn bốn giờ, đánh dấu bước tiến mới và sự hợp tác về thi công đường sắt giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Trên toàn tuyến đường sắt Bắc – Nam, có 44 cây cầu tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, qua thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn và thời gian chạy tàu. Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) Ngô Anh Tảo cho biết, từ thực tế cấp bách trên, ĐSVN đã xây dựng dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn gần 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Khi hoàn thành, dự án này sẽ xóa bỏ được 44 điểm xung yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, góp phần nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm an toàn và rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc – Nam.
Cầu Bà Bầu là cây cầu đầu tiên trong 10 cầu đường sắt thuộc gói thầu xây lắp số 2 (CP2 – trên địa bàn từ Thừa Thiên – Huế đến Quảng Nam) được thay thế dầm thép, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và một số biện pháp mới, thi công trong điều kiện đặc thù vừa bảo đảm tiến độ, chất lượng trong khi tàu vẫn lưu thông trên tuyến.
Dầm thép cầu Bà Bầu nặng hơn 250 tấn, dài 104,5 m, gồm hai nhịp bằng thép đặc chủng cường độ cao nhập khẩu từ Nhật Bản, được Công ty cổ phần Cầu 5 (Tổng công ty Xây dựng Thăng Long) lắp ghép. Theo hợp đồng, thời gian thi công cầu trong vòng 30 tháng.
– Bước quyết định của công nghệ “đổi cầu” là dời cầu cũ sang hệ trụ tạm được dựng sẵn và di chuyển dầm cầu mới từ trụ tạm vào vị trí chuẩn, đồng thời căn chỉnh đường ray trên cầu khớp nối đường ray hai đầu cầu để tàu chạy êm thuận. Công đoạn này phải có sự phối hợp ăn ý và chính xác tuyệt đối, nếu không mọi công sức đều đổ xuống sông xuống biển hết. – Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu khẳng định.
Toàn bộ công việc thay thế dầm cầu Bà Bầu chỉ được gói gọn trong vòng bốn giờ, nếu quá thời gian nhà thầu sẽ bị chủ đầu tư phạt. Chính vì vậy, gần 200 cán bộ kỹ sư, công nhân lành nghề, cùng với các thiết bị chuyên dụng đã được huy động để lắp đặt, thay thế dầm với tinh thần khẩn trương và chính xác tuyệt đối ở từng công đoạn.
Trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân, chỉ sau 30 phút, việc di chuyển cầu cũ và thay thế dầm mới đã xong, sau bốn giờ, việc thay toàn bộ dầm chính cầu Bà Bầu đã hoàn tất, phần lớn thời gian còn lại dành cho việc căn chỉnh, bảo đảm tuyệt đối chính xác theo thiết kế.
Theo Giám đốc dự án Y. Nakagawa, gói thầu CP2 nằm trong khu vực miền trung điều kiện thời tiết, thuỷ văn phức tạp, sản lượng thi công trong mùa mưa rất thấp. Trong quá trình thi công, nhà thầu gặp nhiều khó khăn do vướng chướng ngại vật ẩn giấu (5 kết cấu cầu cũ bị đánh sập trong chiến tranh), bom mìn còn sót lại (4 cầu), cho nên thường xuyên phải thay đổi biện pháp thi đồng, đồng thời huy động nhiều thiết bị lớn, đặc chủng.
Ông đánh giá các kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long rất năng động, học tập, áp dụng kỹ thuật mới rất nhanh, vì thế quá trình thay thế dầm cầu chính Bà Bầu đã đạt thành công mỹ mãn. Từ kết quả này, Liên danh nhà thầu tin tưởng toàn bộ gói CP2 và các gói còn lại của dự án sẽ được triển khai ngày càng thuần thục và chất lượng tốt hơn.
Đến nay, sản lượng của CP2 đã đạt giá trị hơn 383 tỷ đồng (36,7{839bd89c2f84595dc1bef03f5dc0788ddda0aa7a1f8afc375d6fbb6d967e03e8} tổng giá trị hợp đồng, vượt 6,7{839bd89c2f84595dc1bef03f5dc0788ddda0aa7a1f8afc375d6fbb6d967e03e8} tiến độ đề ra). Liên danh nhà thầu đang nỗ lực hoàn thiện đúng và vượt trước tiến độ kế hoạch thay thế các cây cầu và phấn đấu từ nay đến cuối năm thay dầm chính hai cầu nữa, đến hết tháng 4-2012 sẽ hoàn thành thay dầm chính 9 cầu và tháng 8-2012 thay dầm cầu Nam Ô, cây cầu lớn nhất và cũng là cuối cùng của gói CP2.